Khái niệm transaction trong database

Khái niệm transaction trong database là một khái niệm quan trọng mà tất cả các lập trình viên nên biết bởi vì chúng ta sẽ làm việc rất nhiều với khái niệm này. Trong bài viết này, mình xin trình bày với các bạn về khái niệm này!

Để dễ hình dung, mình xin lấy một ví dụ như sau: chúng ta đang làm việc với một ứng dụng bên ngân hàng, ứng dụng này có một tính năng đó là chuyển tiền giữa các tài khoản ngân hàng với nhau, ví dụ chuyển tiền cho tài khoản A sang tài khoản B. Đây là một tính năng mà quá trình xử lý sẽ gồm 2 bước:

  • Thứ nhất là trừ tiền trong tài khoản A
  • Và bước thứ hai là cộng tiền vào tài khoản B.

Rõ ràng, như các bạn thấy, đây là một quá trình nếu gọi là thành công thì bắt buộc 2 bước trên phải thành công, hoặc nếu thất bại thì bắt buộc 2 bước trên cũng phải thất bại luôn. Nếu chỉ một trong 2 bước trên thành công hoặc thất bại thì chúng ta sẽ gặp vấn đề ngay. Và chúng ta khi xây dựng ứng dụng cũng phải đảm bảo 2 điều kiện trên.

Đây chính là ý tưởng chính của khái niệm transaction trong database. Trong database, một transaction là một tập hợp các thao tác mà ở đó hoặc là các thao tác đó được thực hiện thành công, hoặc là không một thao tác nào được thực hiện thành công cả. Khi các bạn suy nghĩ về transaction trong database, các bạn hãy hình dung nó là “hoặc là tất cả hoặc là không gì hết”.

Ở đây, chúng ta có một chữ viết tắt ACID (Atomicity, Consistency, Isolation, Durability) định nghĩa các tính chất của một transaction trong database.

Trong đó:

  • Atomicity: tính chất này thể hiện khái niệm “hoặc là tất cả hoặc là không gì hết”. Toàn bộ các bước được thực hiện trong một transaction nếu thành công thì phải thành công tất cả, nếu thất bại thì tất cả cũng phải thất bại. Nếu một transaction thành công thì tất cả những thay đổi phải được lưu vào database. Nếu thất bại thì tất cả những thay đổi trong transaction đó phải được rollback về trạng thái ban đầu.

Trong ví dụ của mình, rõ ràng khi đã trừ tiền trong tài khoản A thì bắt buộc việc cộng tiền vào tài khoản B phải xảy ra. Còn không thì không có gì xảy ra hết, đã không trừ tiền trong tài khoản A thì chắc chắn rồi, việc cộng tiền vào tài khoản B cũng không xảy ra.

  • Consistency: dữ liệu từ thời điểm start transaction với lúc kết thúc phải nhất quán.

Trong ví dụ của mình thì, nếu đã trừ 10$ trong tài khoản A thì trong tài khoản B phải được cộng 10$.

  • Isolation: nếu chúng ta có nhiều transaction cùng một lúc thì phải đảm bảo là các transaction này xảy ra độc lập, không tác động lẫn nhau trên dữ liệu.

Trong ví dụ của mình, giả sử cùng một lúc xảy ra 2 transaction như trên thì rõ ràng chúng ta không xác định được trạng thái của tài khoản A và tài khoản B sau khi thực hiện cùng 1 lúc. Mà điều này thì rất nguy hiểm.

  • Durability: điều này có nghĩa dữ liệu sau khi thực hiện transaction sẽ không thay đổi nếu chúng ta gặp vấn đề gì đó liên quan đến database.

Ví dụ sau khi chuyển tiền vào tài khoản B thành công thì dù database có gặp bất cứ vấn đề gì thì tài khoản B vẫn đảm bảo đã nhận đủ 10$.

4.4/5 - (7 bình chọn)

One thought on “Khái niệm transaction trong database

Add Comment